Thị Trường, - 19/12/2011 03:39 PM
Năm 2011 sắp khép lại, “đóng cửa” một năm nhiều biến động với thị trường ô tô, xe máy trong nước. Bên cạnh những chính sách mới thì những “vụ scandal” bùng nổ.

Liên tiếp cháy, nổ

Có lẽ chưa lúc nào cảnh báo về thảm họa cháy, nổ ô tô, xe máy lại được quan tâm một cách đặc biệt như thời điểm cuối tháng 12. Những vụ cháy, nổ này đã gây ra thiệt hại không chỉ về tài sản mà cả tính mạng con người. Gần đây nhất, thảm nạn nổ xe máy đã khiến cả hai mẹ con một sản phụ ở Bắc Ninh tử vong khiến dư luận bàng hoàng tột độ.

Trong số những vụ việc cháy nổ xe máy liên tiếp xảy ra thời gian qua, cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là “đại gia” Honda Việt Nam. Đơn giản bởi lẽ phần lớn xe máy bị cháy, nổ đều mang thương hiệu này. Mới đây nhất, ngày 12/12, thêm một xe SH bỗng nhiên bốc cháy trên đường phố Hà Nội đã nâng số vụ cháy xe máy của hãng Honda lên con số 3 vụ liên tiếp chỉ trong vòng một tháng. Cùng với thương hiệu Honda thì sản phẩm Air Blade, dòng xe vốn được coi là “con cưng” của hãng khi có thời điểm cháy hàng do được người mua săn lùng, lại chính là sản phẩm đang “dính scandal” phát cháy nhiều nhất. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2011, theo những thông tin đến được với báo chí, đã có tới 4 chiếc Air Blade bỗng dưng bốc hỏa khi đang lưu thông bình thường, trong đó, vụ gần đây nhất xảy ra ngày 10/12 ngay trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Sự kiện này đã khiến một làn sóng “tẩy chay” xe Air Blade đang ngày càng lan rộng. Trên các diễn đàn mạng, không ít thông tin phàn nàn, kêu ca và thậm chí là rao bán với giá “bèo bọt”.

Trước vụ việc ầm ĩ này, mới đây, đại diện của Honda Việt Nam đã phải lên tiếng nhằm trấn an dư luận. Ông Koji Onishi, Tổng giám đốc của Honda Việt Nam, cho biết, đối với trường hợp xe Honda Air Blade cháy ngày 10/12, Honda Việt Nam không thể tiến hành điều tra nguyên nhân và đưa ra bất cứ bình luận gì do chiếc xe này hiện được cơ quan công an giữ phục vụ cho quá trình điều tra. Còn trường hợp xe Honda SH biến thành tro trưa 12/12 thì qua xác minh, chiếc xe này không phải sản phẩm của Honda Việt Nam sản xuất. Còn những vụ cháy nổ khác, ông Koji Onishi khẳng định, vẫn chưa tìm thấy bất cứ sản phẩm nào có lỗi.

Không chỉ xe máy mà ngay cả những ô tô “tiền tấn” cũng “bùng cháy như chơi”. Gần đây nhất, giữa tháng 11, xe Kia Morning bỗng nhiên phát hỏa tại Hoài Đức, Hà Nội.


‘Phanh phui’ Toyota Việt Nam giấu hàng loạt xe bị lỗi 

Thời điểm đầu tháng 4, dư luận bỗng chốc được dịp xôn xao khi nghe tin Toyota Việt Nam (TMV) thừa nhận đã có gần 9.000 ô tô, trong đó chủ yếu là xe Innova tuy có một số lỗi kỹ thuật nhưng vẫn được bán ra thị trường. Tuy nhiên, sự “thành khẩn” này của “đại gia” TMV không được dư luận thông cảm, sẻ chia khi trước đó, kỹ sư Lê Văn Tạch của chính doanh nghiệp này đã có đơn gửi đến cục Đăng Kiểm Việt Nam và các cơ quan báo chí, cho rằng: trong quá trình làm việc cho TMV, anh đã phát hiện ra ba lỗi quan trọng có ảnh hưởng đến vận hành cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng trên các dòng xe Innova và Fortuner do TMV sản xuất và hàng nghìn chiếc đã được lưu thông ra thị trường. Tuy nhiên, theo anh Tạch, những cảnh báo của anh không được lãnh đạo TMV quan tâm, vì thế buộc lòng anh phải công khai với giới truyền thông. Ngay lập tức, thông tin này đã khiến nhiều ý kiến cho rằng TMV đã cố tình “giấu nhẹm” những lỗi này và chỉ đến khi bị “tố” mới thừa nhận. 

Một trong những mẫu xe bị lỗi của TMV.

Sau khi thừa nhận lỗi, TMV đã nhanh chóng khắc phục bằng cách triệu hồi và sữa chữa miễn phí những xe bị lỗi.

Nhưng vụ “lùm xùm” này chưa dừng lại ở đây bởi TMV sau đó đã đưa ra “án phạt” với kỹ sư Tạch, với những lý do hoàn toàn không liên quan đến hành động “dám” phanh phui “lỗi kín” của doanh nghiệp. Bức xúc với cách làm này, kỹ sư Tạch đã lên tiếng với báo giới về những bất công của lãnh đạo TMV đối với anh, thậm chí có cả sự đe dọa. Sự tranh cãi khá căng thẳng này đã buộc phải giải quyết bằng cách đưa nhau ra tòa. Anh Tạch khẳng định “sẽ kiện tới cùng” để bảo vệ danh dự của mình. 

Gần đây nhất, giữa tháng 11, TMV lại phát đi thông báo sẽ triệu hồi 320 xe Camry 3.0 để kiếm tra, thay thế puly trục khuỷu.


Nghi án “đại gia trốn thuế”

Honda Việt Nam lại một lần nữa “nổi đình nổi đám” với vụ việc này. Theo phản ánh của doanh nghiệp này tới Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 15/8, Cục Hải quan Hà Nội và Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã đến công ty để "kiểm tra theo kế hoạch". Sau đó, Cục Hải quan Hà Nội đã gửi dự thảo kết luận kiểm tra sau thông quan với nội dung ấn định số tiền thuế truy thu là hơn 3.340 tỷ đồng (tương đương 160 triệu USD) cho những lô hàng do Honda Việt Nam nhập khẩu từ 5 năm trở lại đây.

Ông lớn' Honda Việt Nam rất bức xúc vì vụ bị truy thu thuế.

Phản bác lại kết quả này Honda Việt Nam có văn bản giải thích toàn bộ sự việc, đồng thời khẳng định kết luận mà hải quan đưa ra không đúng. Trong văn bản này, Honda cũng nói rõ sự việc xuất phát từ cách hiểu luật hiện nay khác so với trước đây, hơn nữa, lại truy thu thuế ngược đối với những sản phẩm từ 5 năm trước. Thế nhưng, dự thảo kết luận mới nhất của cơ quan hải quan vẫn giữ nguyên nội dung truy thu thuế nêu trên.

Honda Việt Nam cũng không quên “nhắc khéo” trong công văn của mình rằng, nếu kéo dài tình trạng trên, hãng sẽ xem xét lại việc sản xuất và kinh doanh trong tương lai.

Trước sự việc này, Phó thủ tướng đã buộc Bộ Tài chính phải “vào cuộc” và báo cáo với Phó thủ tướng tường tận. Sau đó, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Việc ấn định thuế và tiến hành truy thu chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp vi phạm. Hiện tại, chưa xác định Honda Việt Nam vi phạm các quy định về thuế, do đó, chưa thể đưa ra các quyết định truy thu". Cũng theo ông Tuấn thì đến nay, chưa có chuyện Honda Việt Nam bị truy thu thuế vì các cơ quan chức năng chưa thu một đồng nào từ doanh nghiệp này. 


Đua nhau “chạy giá”

Giá “loạn” đã trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng mỗi khi mua xe, đặc biệt là xe máy. Tuy rất cẩn thận khảo sát giá từ các hãng sản xuất nhưng không ít người vẫn bị “choáng” khi chứng kiến mức giá thật được niêm yết trên thị trường, từ các đại lý. Thậm chí, cùng một dòng xe, một thời điểm nhưng mỗi đại lý lại “hét giá” một kiểu.

Noza, một trong những mẫu xe bị "làm giá".

Điển hình nhất trong scandal “chạy giá” năm nay là Honda Air Blade phiên bản mới và hai dòng xe thuộc loại “con cưng” của hai “đối thủ” sừng sỏ, được tung ra gần như đồng thời là Honda Vision của Honda và Noza của Yamaha. 

Vào tháng 4 vừa qua, nhiều người đã phát hoảng khi giá thực của dòng xe này bị đội lên trên dưới 10 triệu đồng so với giá đề xuất của hãng Honda. Honda Air Blade đời 2011 có giá niêm yết mới là 35,99 triệu đồng và 36,99 triệu đồng cho các màu khác nhau, tăng 3 - 4 triệu đồng so với phiên bản trước. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để mua được xe Airblade thế hệ mới với mức giá niêm yết đó. Có thời điểm giá thực của dòng xe này còn bị đẩy lên ngót 10 triệu, dao động ở mức 46 - 48 triệu đồng tùy theo phiên bản.

Ngày 7/9, Honda Việt Nam ra mắt mẫu xe Vision với giá công bố bán lẻ đề xuất là 28,5 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi mẫu xe này về đến các đại lý, giá bán xe bị đẩy lên từng tuần: từ 30,5 triệu đồng, rồi đến 33,5 triệu đồng, thời kỳ đỉnh cao nhất, Vision bị bán với mức giá gần 37 triệu đồng – tăng từ 5-8 triệu đồng/xe so với giá công bố của nhà sản xuất.

Kỳ phùng địch thủ của Honda Vision là Noza của Yamaha cũng có mức giá “nhảy múa loạn xạ” khiến người tiêu dùng chóng mặt. Vào cuối tháng 9 vừa qua, dòng xe này đã bị đội giá lên gần 5 triệu đồng so với mức đề xuất cũ 31,9 triệu đồng.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là cả 3 dòng xe này sau khi “loạn” giá đã bất ngờ “xẹp” nhanh. Có thời điểm giá xe Air Blade đã giảm tới 7 – 10 triệu đồng. Còn theo khảo sát của Đất Việt ngày 30/11, Nozza và Vision được bán tại các địa lý của Yamaha và Honda trên địa bàn Hà Nội đã về sát giá đề xuất của nhà máy, thậm chí có đại lý còn bán Vision  dưới giá đề xuất. Tức là, so với thời kỳ "đỉnh cao", giá xe Vision giảm tới hơn 3 triệu đồng/xe và Noza cũng giảm 2- 3 triệu đồng/xe.


“Đá nhau” vì kiện tụng

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cuối tháng 11 đã có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc Hyundai Thành Công được phép nhập khẩu 5.000 linh kiện không đạt độ rời rạc theo quyết định số 05 của Bộ KH&CN.

 


Mẫu xe Anvante được cho là lắp ráp trong nước của Hyundai Thành Công. Ảnh:Tiền Phong,

VAMA cho rằng, 5.000 linh kiện xe ô tô 9 chỗ mà Huyndai Thành Công nhập khẩu để chạy thử dây chuyền sản xuất có độ rời rạc thấp hơn quy định với phần thân xe đã được lắp hoàn chỉnh, hàn và sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu. Đây là việc làm khó hiểu khi hãng này đã đầu tư dây chuyền sơn tĩnh điện trong nước.

VAMA cũng cho rằng 5.000 bộ linh kiện là quá lớn với mục đích chạy thử dây chuyền. Nhờ đó mà Hyundai được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện thay vì mức thuế cho xe nhập nguyên chiếc. Điều này được xem như ưu đãi quá lớn và chưa có tiền lệ, gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa các nhà sản xuất, tạo tiền lệ không tốt, ảnh hưởng đến chủ trương thực hiện nội địa hóa của Chính phủ.

Trước đó, Tập đoàn Hyundai Thành Công cho biết, đơn vị này sẽ nhập 5.000 bộ linh kiện cho các mẫu xe du lịch từ 5 đến 7 chỗ ngồi để chạy thử dây chuyền máy móc thiết bị và đào tạo cán bộ, công nhân với mức độ rời rạc khác với mực độ rời rạc theo Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, dư luận nhanh chóng đặt ra nghi vấn về việc Thành Công được hưởng mức thuế ưu đãi dành cho linh kiện, nhưng thực chất, đây là những bộ linh kiện bán thành phẩm (cụm động cơ, thân vỏ đã được hàn và sơn tĩnh điện...). Mức chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và thuế nhập khẩu linh kiện xe lắp ráp trong nước là rất lớn: từ 77 - 82% đối với xe nguyên chiếc và 20 - 25% đối với linh kiện nhập khẩu.

 

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.