Khám Phá, - 25/04/2018 12:38 AM
Con đường chinh phục người tiêu dùng toàn cầu của sản phẩm ô tô Trung Quốc sẽ khá dài nếu xét đến yếu tố trung thành với thương hiệu lớn đã tồn tại cả thế kỷ qua.

Một ngày mùa xuân trời cao và trong xanh ở thành phố Amsterdam, Hà Lan, người ta cùng nhau uống mừng dây chuyền sản xuất xe ô tô mới, minh chứng rõ ràng nhất cho tham vọng tiến ra toàn cầu của ngành ô tô Trung Quốc.

Lần đầu tiên, xe ô tô mang thương hiệu Trung Quốc được sản xuất ở Tây Âu để bán cho thị trường này, mục tiêu cao nhất là để xe ô tô Trung Quốc được bán trong các showroom ở Mỹ.

Những gì đang diễn ra thuộc về tham vọng của tỷ phú Li Shufu, người đã đưa tập đoàn Geely từ một công ty sản xuất tủ lạnh vào thập niên 1980 thành một tập đoàn sở hữu thương hiệu Volvo, hãng xe thể thao Lotus của Anh, dịch vụ đặt xe London Black Cabs và nắm cổ phần lớn nhất tại hãng xe Daimler AG.

nguoi-trung-quoc-dang-lam-gi-de-tro-thanh-cuong-quoc-o-to-the-gioi

Ông Li đang rất nỗ lực để đưa Trung Quốc nhóm những nước sản xuất ô tô hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ, Đức, Nhật.

Phát biểu với Bloomberg, ông Li nói: “Tôi muốn cả thế giới chú ý đến sản phẩm của Geely và nhiều sản phẩm ô tô sản xuất tại Trung Quốc khác. Geely muốn trở thành một công ty toàn cầu. Để làm được việc đó, chúng tôi phải hướng ra nước ngoài”.

Và không chỉ riêng hãng xe của Geely. Ít nhất 4 hãng xe Trung Quốc và 3 công ty khác bao gồm SF Motors, NIO và Byton đang lên kế hoạch bán xe ô tô ở Mỹ từ năm sau.

Cùng lúc đó, tập đoàn BYD với sự đầu tư của tỷ phú Warren Buffett cũng đang bán xe bus chạy điện ở California; Baidu hợp tác với Microsoft, TomTom NV và Nvidia Corp để phát triển xe tự lái; cùng lúc đó, hãng xe TuSimple đang thử nghiệm ô tô tự lái tại Arizona, Mỹ.

Ngành ô tô Trung Quốc chuẩn bị đối diện với nhiều thay đổi lớn khi mà chính phủ Trung Quốc đang tính đến việc bỏ giới hạn trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các hãng xe liên doanh.

Thay đổi này sẽ có thể khiến nhiều tập đoàn ô tô lớn của thế giới như Volkswagen AG và Ford Motor cố gắng giành thị phần lớn hơn tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Còn hãng Tesla có thể hoàn toàn sở hữu doanh nghiệp sản xuất xe tại Trung Quốc.

Hãng xe nước ngoài sẽ có thể nhìn thấy tương lai rõ ràng hơn còn các công ty Trung Quốc lo sợ mất thị phần ở nội địa sẽ có thể có thêm động lực để vươn ra thị trường nước ngoài.

Trước đây, trong ngành điện thoại thông minh, chúng ta từng chứng kiến sự quyết tâm tương tự của người Trung Quốc. Các công ty công nghệ ở nước này đã tận dụng quá trình chuyển giao công nghệ từ điện thoại thông thường sang máy tính có kích cỡ bằng lòng bàn tay để thách thức nhiều tên tuổi lớn trong ngành sản xuất điện thoại thế giới đến từ Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ, Nhật và Đức.

Trong năm ngoái, 3 trong số 5 công ty sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới là công ty Trung Quốc, theo tính toán của Gartner Inc.

Thế nhưng con đường chinh phục người tiêu dùng toàn cầu của sản phẩm ô tô Trung Quốc sẽ khá dài bởi xét đến yếu tố trung thành với thương hiệu đã tồn tại cả thế kỷ qua. Các hãng xe Trung Quốc sẽ dùng cái gì để thuyết phục người vùng Trung Tây nước Mỹ bỏ xe bán tải Ford F-150 hay làm cho người dân Tokyo không dùng xe Toyota nữa?

Phó chủ tịch đã về hưu của GM, ông Bob Lutz, chỉ ra: “Các hãng xe Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các hãng xe Nhật và Hàn Quốc. Nếu họ tham gia vào thị trường, họ cũng sẽ không thể đạt được trình độ công nghệ cao hơn so với hãng xe Hàn Quốc hay Nhật. Ở châu Á, họ cũng sẽ có thị phần nhất định bởi xe được sản xuất phù hợp với điều kiện châu Á. Thế nhưng ngoài đó ra, họ cũng sẽ không dễ bán được xe”.

Và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ khiến cho việc bán xe của các công ty Trung Quốc vào Mỹ gặp khó.

Thế nhưng không thể khẳng định rằng các hãng xe Trung Quốc sẽ không vượt qua được khó khăn. Vài thập kỷ trước, Hyundai của Hàn Quốc bị chê rất nhiều vì sản phẩm xe chất lượng kém, giờ đây Hyundai là một trong 5 hãng xe lớn nhất thế giới, bán được đến 1,25 triệu chiếc chỉ riêng tại thị trường Mỹ vào năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg Intelligence. Huyndai giờ còn đang có nhà máy tại Alabama và Georgia.

Cựu CEO của hãng xe Volkswagen lớn nhất tại châu Âu, ông Matthias Mueller, nhấn mạnh: “Cần phải nhìn nhận nghiêm túc về các đối thủ từ Trung Quốc. Tôi đến Trung Quốc lần đầu vào năm 1989 và từ đó đến nay, sự phát triển của Trung Quốc là vô cùng ấn tượng”.

Theo Bizlive

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.