Ô tô chính là một trong những thành tựu nổi bật nhất của trí tuệ con người. Không dừng lại ở đó, những chiếc xe 4 bánh không ngừng tiến hóa nhờ những ý tưởng mới, cho phép chúng hoạt động hiệu quả hơn và ngày càng đi vào đời sống. Tuy nhiên, không phải phát kiến nào cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. Bởi rất nhiều trong số đó chỉ khả thi về mặt lý thuyết nhưng lại thiếu đi tính thực tế hoặc nhận được ít sự quan tâm.
1. Động cơ bằng nhựa
Nhựa là một trong những vật liệu phổ biến nhất trong lĩnh vực sản xuất hiện nay. Nhưng có lẽ, chẳng mấy ai dám nghĩ đến việc tạo ra một khối động cơ từ nhựa. Ấy thế mà vào thập niên 1970, một kỹ sư người Mỹ có tên Matthew Holtzberg đã phát triển một loại động cơ xe đua với nhiều thành phần được chế tạo từ nhựa composite. Cỗ máy này đã từng xuất hiện trong nhiều cuộc đua IMSA vào những năm 80. Dù đã gặt hái được những thành công nhất định song ý tưởng của Matthew Holtzberg lại không gây nhiều hứng thú cho các nhà sản xuất xe hơi.
2. Động cơ turbine khí
Trong những năm đầu phát triển của ngành hàng không, động cơ turbine khí đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà sản xuất xe hơi. Điều này có được là nhờ những ưu điểm ở sức mạnh vượt trội, sự ổn định và tần suất bảo trì thấp do có ít thành phần chuyển động. Một số tên tuổi như Rover, BRM hay Lotus cũng đã hái quả ngọt từ loại động cơ này trong một số sự kiện thể thao. Nhưng chừng đó là không đủ để khỏa lấp đi những nhược điểm của động cơ turbine khí, điển hình là hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu rất thấp và hàm lượng khí thải quá cao. Vì vậy, loại động cơ này đã không thể tìm được chỗ đứng trong ngành ô tô.
3. Phanh tên lửa
Nhằm thực hiện những cú phanh khẩn cấp, cơ quan nghiên cứu và phát triển khoa học Mỹ đã cho ra đời một hệ thống có tên là phanh tên lửa vào năm 1946. Cụ thể, hệ thống này bao gồm một cặp tên lửa mini được bố trí ngay bên dưới cột A với góc nghiêng 45 độ. Theo lý thuyết, khi các tên lửa này được kích hoạt, chúng sẽ tạo ra một lực đẩy ngược chiều với hướng di chuyển của chiếc xe và giúp cho xe giảm tốc nhanh hơn với quãng đường phanh chỉ bằng một nửa so với các hệ thống phanh thông thường. Những thử nghiệm ban đầu đã cho thấy tiềm năng của hệ thống nói trên. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn nguy hiểm đã khiến cho phanh tên lửa mãi chỉ là một công cụ thử nghiệm.
4. Bánh xe thứ 5
Đây lại là một phát kiến khác của người Mỹ, được đăng ký sáng chế lần đầu tiên vào năm 1932 bởi Brooks Walker. Về cơ bản, đó là một chiếc bánh xe jockey được gắn vào sàn cốp, có thể hạ xuống và nâng đỡ phần thân sau của xe. Mục đích là để hỗ trợ tài xe đỗ xe một cách dễ dàng hơn. Nhưng trên thực tế, công dụng của hệ thống này là không nhiều. Hơn nữa, nó cũng chiếm mất một nửa không gian của cốp xe. Thế nên, không bất ngờ khi thiết kế này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trước khi chìm dần vào quên lãng.
5. Động cơ quỹ đạo hai kỳ
Động cơ quỹ đạo hai kỳ (Orbital two-stroke) là một phát mình của kỹ sư người Úc Ralph Sarich. Động cơ này gồm 3 xi-lanh, sở hữu kích thước nhỏ gọn nhưng lại gây ấn tượng ở tính hiệu quả, sức mạnh cũng như sự thân thiện với môi trường. Chính vì điều này mà Ford đã từng thử nghiệm động cơ quỹ đạo hai kỳ trên một lượng nhỏ những chiếc Fiesta vào đầu những năm 90. Ưu việt là vậy song vấn đề của cỗ máy này nằm ở chỗ nó không thể phô diễn cả ba thế mạnh của mình trong cùng một thời điểm. Và thế là, loại động cơ này cũng biến mất chỉ ít lâu sau đó.