Khám Phá, - 18/11/2018 04:20 PM
Ở thời điểm hiện tại, trào lưu xe điện, xe tự lái đang tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu bởi đây được coi là những phương tiện của tương lai với những ưu điểm và tính năng vượt trội.

Xu hướng đó đã tạo nên một cuộc ganh đua phát triển các công nghệ và sản phẩm mới giữa các nhà sản xuất nhằm chiếm thế thượng phong, đi trước các đối thủ. Nhưng liệu điều này có thực sự cần thiết hay không? Đó là câu hỏi đã được cây viết của trang tin uy tín Road&Track đưa ra. Và không chỉ đặt vấn đề, cây viết này cũng tự trả lời câu hỏi trên bằng quan điểm cá nhân cùng những minh chứng từ lịch sử cực kỳ xác đáng.

Trước hết, chúng ta phải nhận thức một điều rằng xe điện hay xe tự lái về bản chất là những loại công nghệ mới. Mà đã là công nghệ thì giá trị sẽ nhanh chóng suy giảm sau một giai đoạn hoặc khi có các công nghệ tiên tiến hơn ra đời. Và lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng những công ty công nghệ thành công nhất đều là những ‘con cáo già’ có khả năng tối ưu chi phí hoạt động hoặc có những giải pháp đột phá đối với các tiêu chuẩn hoặc công thức được công nhận.

Theo cây viết của Road&Track, đi trước là một lợi thế thực sự nhưng chưa chắc đã là điều cần thiết nhất cho một cuộc đua dài. Một ví dụ điển hình chính là trường hợp của IBM hùng mạnh. Tuy là cha đẻ của chiếc máy tính cá nhân (PC) đầu tiên trên thế giới nhưng sau gần 40 năm, IBM có thể nói là đã mất hút khỏi thị trường PC toàn cầu và tập trung vào các mảng khác. Trong khi đó, Apple không phải là thương hiệu đầu tiên cho ra đời smartphone hay điện thoại sử dụng màn hình cảm ứng nhưng iPhone lại là dòng sản phẩm khuynh đảo thị trường di động trong hơn 10 năm qua.

Quay trở lại với xe điện, xe tự lái, dường như các nhà sản xuất vẫn chưa nhận ra sự thật này hoặc có lẽ họ cố tình lờ đi. Tất cả đều đang bị cuốn theo cuộc đua và hướng tới việc tạo nên một chiếc Model T trong thế giới xe điện, xe tự lái ở thời điểm hiện tại. Phải nói thêm rằng, Model T là một chiếc xe đã làm thay đổi bộ mặt ngành sản xuất xe hơi nhờ sự đơn giản, tối ưu năng lực sản xuất và chi phí hợp lý.

Đối với những mẫu EV, pin và các mô-tơ điện là những thành phần quan trọng bậc nhất và cũng được các nhà sản xuất dồn nhiều nguồn lực nhất nhằm phát triển các công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng đã là công nghệ thì dù đột phá đến đâu cũng sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn theo thời gian và dần dần được phổ biến. Tới đây, tác giả của bài phân tích trên Road&Track lại đặt ra thêm một câu hỏi tu từ: Vậy tại sao phải tốn hàng tỷ USD để theo đuổi chiếc ‘chén thánh’ mà họ chỉ cần bỏ một ra  một khoản chi phí thấp hơn nhiều để có được giấy phép sử dụng công nghệ đó.

Cũng phải nói thêm rằng thị trường xe hơi cá nhân có những bước tiến hết sức nhỏ bé. Theo tác giả này, tuổi đời trung bình của một chiếc xe đang hoạt động trên đường phố của nước Mỹ lên tới 11. Còn đối với những chiếc smartphone thì con số này thường không quá 2,5. Và theo kế hoạch của GM lẫn Ford, hai ông lớn này sẽ chỉ tung ra những chiếc xe điện hoàn chỉnh vào năm 2025 và 2027.

Tới đây, liệu có ai sẽ cho rằng sự chậm chân sau 2 năm có thể khiến Ford đuối sức ở nơi mà chỉ 1/5 thị trường có nhu cầu tìm đến những chiếc xe mới trong khoảng thời gian đó? Lật lại đôi nét về quá khứ khi mà mẫu sedan Honda Accord ra mắt người Mỹ trước Toyota Camry tới 5 năm nhưng vẫn bị đối thủ vượt mặt trong gần 2 thập kỷ trở lại đây.

Hơn nữa, kể cả khi những tên tuổi này lập tức tung ra những đối thủ cạnh tranh với Chevy Volt thì họ cũng không thể bị thua lỗ dù chỉ là 1 ‘đô’, có chăng là chưa thể mang về thêm những đồng tiền mới về cho công ty. Và ngược lại, nếu quyết định tham chiến ngay lập tức thì chưa chắc đã thu về lợi nhuận mà thậm chí là thâm hụt. Bản chất của kinh doanh là sử dụng một khoản đầu từ để mang về một món lợi lớn hơn. Thà chậm một chút nhưng có những chuẩn bị chắc chắn để đạt xác suất thành công cao hơn thay vì nhanh ẩu đoảng chỉ để được coi là một trong những ‘người đầu tiên’ và gánh lấy hậu quả.

Ngoài những lý do nêu trên, tại sao các nhà sản xuất không đầu tư để cải tiến những chiếc xe truyền thống như Ford đang làm. Được biết, tập đoàn này đã duyệt chi tới 15 tỷ USD dành cho công cuộc nêu trên, trong đó có dự án xe bán tải khung nhôm thế hệ mới, góp phần giảm đáng kể trọng lượng của chúng trong khi khả năng chống ăn mòn cao hơn hẳn. Ngoài ra, số tiền này đủ để Ford phát triển hàng loạt công nghệ và trang bị mới, nâng tầm giá trị cho những chiếc xe. Cần phải nhớ rằng, Ford đang thống trị thị trường xe bán tải tại Bắc Mỹ với doanh số liên tục đứng đầu trong hàng thập kỷ. Những cải tiến mới có thể sẽ giúp nâng cao doanh số hơn nữa, cướp chính miếng ăn từ đối thủ (Chevrolet Silverado).

Ngoài việc đầu tư nâng cấp các sản phẩm truyền thống, khoản đầu tư trên cũng có thể được dùng để phát triển các dây chuyền sản xuất mới, tương tự như những gì mà hãng này đã từng làm với chiếc Model T dù cho huyền thoại Henry Ford không phát minh ra bất cứ công nghệ nào trên mẫu xe đó. Tất nhiên, kể cả các phương pháp làm sạch khí thải mới nhằm đối phó với các quy tắc đang ngày càng được thắt chặt.

Với những luận điểm và chứng cứ nêu trên, cây viết của Road&Track đã cho thấy một cái nhìn hoàn toàn khác về xu hướng phát triển hiện tại của ngành công nghiệp xe hơi. Có thể nó chỉ mang tính chủ quan và phần nào đi ngược lại những mục tiêu lớn lao của xu thế mới nhưng bù lại quan điểm đó cho chúng ta thấy được một cách nhìn khách quan và toàn diện hơn về cái gọi là ‘người tiên phong’ và thế nào mới là đầu tư thông minh.

 

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.