Có nhiều chiếc xe đua F1 giờ còn chậm hơn cả xe GP2. Ảnh: AFP.
Trong quá khứ chưa lâu, khi các hệ thống hỗ trợ người lái như "kiểm soát lực kéo" hay "điều khiển xuất phát" bị Liên đoàn đua xe quốc tế FIA loại bỏ, đó chính là thời điểm mà năng lực từng cá nhân được phát huy tối đa. Việc thành bại trên đường đua bên cạnh việc phụ thuộc chủ yếu vào chiếc xe, còn dựa trên nền tảng kỹ năng, kỹ thuật lái riêng... Tuy nhiên không phải mọi điều chỉnh của FIA đều cho ra nghiệm số đẹp.
Năm 2009 tổ chức này quyết định cấm tiếp nhiên liệu trong cuộc đua, khi cho rằng thao tác này đôi khi gây ra các vụ cháy và gây mất an toàn. Có thể nói đây chính là bước chân đầu tiên trên quãng đường tăm tối mà môn thể thao này đang trải qua, cho tới tận ngày nay và chắc chắn sẽ chưa dừng lại trong tương lai không xa.
Việc bơm xăng không đơn thuần mang ý nghĩa nhằm duy trì hoạt động chiếc xe trên đường chạy, mà nó chính là đỉnh cao trong nghệ thuật tính toán của một đội đua ở môn thể thao mang nặng tính chiến thuật này. Với 9 lít nhiên liệu được bơm thêm mỗi giây, nó sẽ khiến chiếc xe tăng kha khá trọng lượng khi trở lại cuộc cạnh tranh sau đó nên từng tích tắc đều được cân nhắc chi li, chính xác.
Khi một chiếc McLaren vào chuồng, kỹ sư của Ferrari trong pit-lane đã cầm sẵn một chiếc đồng hồ bấm giờ, để từ đó tính toán xem với lượng xăng bơm thêm chiếc xe đó của đối thủ sẽ chạy được bao nhiêu vòng. Qua đó họ sẽ định hướng chiến thuật cho lần pit sắp diễn ra của đội nhà. Trên hành tinh này, rất ít môn thể thao cần sự toan tính chi li đến vậy, bên cạnh yếu tố con người, để tạo nên thành công.
Việc cấm bơm xăng khi vào pit đã khiến F1 mất tính hấp dẫn.
Nhưng đó chưa phải là điểm dừng của những điều buồn tẻ. Năm 2011, Pirelli tham gia làng F1 với tư cách là đầu mối cung cấp lốp độc quyền. Họ mang tới cho các xe đua những bộ lốp khá nhanh mòn trong hai năm đầu tiên. Điều này tạo tác động tiêu cực tới F1 mà người xem là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Các tay lái kể từ thời điểm này không thể chạy hết sức trong cuộc đua, do lốp mòn nhanh nên chọn lựa đầu tiên và cũng duy nhất là bảo vệ lốp. Chỉ một vài sơ xuất nhỏ trong vài vòng chạy có thể khiến lốp quá nhiệt hay gây ra những tổn thương khác mà một khi gặp phải tình trạng này, tay lái chẳng thể phòng thủ hay tấn công chủ động trước đối thủ của họ. Các đội đua đã mất khá nhiều thời gian để am hiểu đặc tính lốp, nên mới có tình trạng sáu tay lái khác nhau thắng bảy chặng đầu tiên ở đầu mùa 2012.
Nhưng tệ hại hơn tất cả là năm 2013, thời điểm Pirelli được FIA yêu cầu thiết kế lốp mòn nhanh hơn nữa để gia tăng sự ảnh hưởng của chiến thuật lên cuộc đua. Kết quả là có chặng đua cần tới bốn lần về chuồng để thay lốp, làm cuộc đua trở nên vỡ vụn. Nhiều tay lái cũng không thể tận dụng được lợi thế từ kết quả phân hạng tốt do khi vào cuộc đua lốp mòn quá nhanh - điều hầu như không gây ra ảnh hưởng gì trong ngày thứ 7. Ngược lại, có người gặt hái được nhiều thành công từ kỹ thuật giữ lốp tốt, điển hình là Kimi Raikkonen.
Điều này hoàn toàn không có gì phải phàn nàn, nếu nói về chuyên môn. Giữ lốp là một kỹ năng cần phải có trong tổng thể trình độ của một tay lái giỏi. Nhưng xét về mặt giải trí, người hâm mộ luôn muốn theo dõi những pha so tài nảy lửa trên đường đua hơn là thấy một tay đua về đích mà chẳng phải vượt ai, bởi chỉ đơn giản là anh ta vào pit ít hơn đối thủ một lần. Bên cạnh đó, chất lượng không đảm bảo của lốp cũng rất nguy hiểm đối với tính mạng lái xe. Người hâm mộ hẳn đều nhớ "trò đùa" của Pirelli tại Silverstone năm ngoái, khi có tới năm tay lái bị nổ lốp trong một chặng đua. Và tất nhiên, chỉ khi nào kỹ sư đường đua cho phép tăng tốc (thường chỉ trong khoảng vài vòng), thì tay lái mới có thể thực hiện, còn không, anh ta sẽ tham gia một cuộc đua có tên "Giữ lốp công thức một" thay vì "Đua xe công thức một" vào ngày đua chính thức.
Giữ lốp là điều khiến cuộc đua trở nên nhàm chán hơn.
Năm 2014, bảo vệ lốp không còn là vấn đề quá cấp bách bởi lốp năm nay đã bền hơn. Tuy nhiên, vô số giới hạn mới đặt ra khiến F1 ngày càng mất đi những nét đặc trưng vốn có. Giới hạn độ cao và chiều ngang cánh gió, khiến thẩm mỹ của chiếc xe vươn đến ngưỡng thảm họa. Giới hạn số động cơ, khiến giờ đây ở mỗi lượt chạy thử, các xe ở trong…gara là chủ yếu nhằm tránh để động cơ phải làm việc vất vả, còn khán giả thì ngồi nhìn đường đua trống trơn (đặc biệt là ngày chạy thử đầu tiên FP1). Giới hạn khối và lưu lượng nhiên liệu, khiến trong cuộc đua các xe không thể chạy hết tốc độ. Giảm dung tích xy lanh và thay đổi động cơ, khiến giờ đây xe đua mất đi thứ âm thanh mà trước đây người ta chẳng cần nhìn lên màn hình tivi cũng biết đó là thể thức đua xe gì. Thậm chí, cay đắng hơn nữa, sức mạnh của một số chiếc F1 ở các đội nhóm cuối như Caterham giờ còn thua cả một chiếc xe ở thể thức… GP2.
FIA luôn có cái lý của họ để đưa ra các điều chỉnh, và hẳn nhiên tất cả đều có ý nghĩa. Nhưng không ít trong số đó đã vô tình làm mất đi các đặc tính cơ bản của F1, và khán giả không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận.
Với những kinh nghiệm của mình, tay đua Charles Leclerc đã truy đổi và theo dấu một nhóm tội phạm, đồng thời báo lực lượng công quyền để bắt giữ.
Ngày 28/4, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup ban hành nghị quyết về việc giải thể Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, một công ty con do Vingroup sở hữu 100% vốn điều lệ.
Vì không đủ khả năng để nâng cấp đường đua thế nên Nam Phi và Việt Nam có thể là 1 trong hai quốc gia có khả năng được quyền đăng cai chặng F1 năm 2024.
Aston Martin Vantage F1 Edition và DB11 V8 Coupe phiên bản nâng cấp vừa được ra mắt thị trường Việt Nam với mức giá bán lần lượt 18.799 và 19.799 tỷ đồng.
Vốn được ưa chuộng tại Việt Nam, Ferrari không chỉ thu hút đại gia Việt bằng những mẫu siêu xe mới mà có cả một số mẫu siêu xe “cổ”.