Thị Trường, - 20/12/2014 12:10 AM
"Việt Nam có thể tạo nhiều ưu đãi như đã làm với Samsung về các dự án điện thoại di động và để mặc nhà đầu tư FDI lo toan mọi rủi ro hoặc hỗ trợ tài chính và công nghệ tối đa cho các doanh nghiệp nội cạnh tranh", chuyên gia kinh tế, TS.Alan Phan đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ô tô ASEAN tràn vào Việt Nam

Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, không cần chờ đến thời điểm 2018, ô tô từ các nước trong ASEAN đã tràn vào Việt Nam.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 11 tháng năm 2014, cả nước nhập về gần 61,6 nghìn chiếc ô tô nguyên chiếc các loại với trị giá 1,34 tỷ USD, tăng mạnh 95,5% về lượng và tăng 108,6% trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia sang Việt Nam đang tăng mạnh. Ảnh: TL

Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 11/2014 tiếp tục tăng cao và đạt 9,86 nghìn chiếc, trị giá hơn 200 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 16,4% trị giá so với tháng 10/2014.

Trong đó, Thái Lan hiện đang dẫn đầu khối ASEAN trong việc cung cấp ô tô cho Việt Nam với gần 13 nghìn chiếc, tăng 78%, tiếp sau là các nước như Indonesia, Malaysia.

Bên cạnh việc xe nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng mạnh, thời gian qua, xu hướng chuyển dịch các nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài FDI từ Việt Nam sang các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... cũng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Hầu hết các hãng xe như Toyota, Ford, Honda, Kia, Mazda... đều đang có nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan, Indonesia với quy mô lớn hơn và thậm chí gấp nhiều lần so với các nhà máy đặt ở Việt Nam. Chưa dừng ở đó, nhiều hãng xe đang lên kế hoạch mở rộng quy mô tại Thái Lan, Indonesia.

Nguyên nhân được đại diện các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam kém phát triển dẫn đến nhiều chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số quốc gia khác trong khu vực.

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như dung lượng thị trường ô tô nhỏ bé, sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước ở mức thấp, chưa thể hấp dẫn kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ.

Nước cờ nào cho Việt Nam?

Trao đổi với BizLIVE, TS. Alan Phan cho rằng, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc… được ví như “những con khủng long” là điều không tưởng.

Nguồn: Tổng cục Hải quan/BizLIVE.

Các nhà nhà đầu tư FDI biết rất rõ các điểm yếu của Việt Nam như công nghiệp phụ trợ kém phát triển, cơ sở hạ tầng ở mức thấp… nên việc dời cơ sở khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc xe xuống bằng 0 là không có gì lạ.

“Do đó, biện pháp đối với Việt Nam, có thể tạo nhiều ưu đãi như đã làm với Samsung về các dự án điện thoại di động và để mặc nhà đầu tư FDI lo toan mọi rủi ro. Hoặc hỗ trợ tài chính và công nghệ tối đa cho các doanh nghiệp nội địa để họ có thể cạnh tranh”, TS. Alan Phan đề xuất.

Song, TS. Alan Phan lưu ý rằng, giải pháp thứ 2 rất tốn kém và trong bối cảnh thiếu hụt ngân sách hiện nay không nên đổ tiền vào một ngành nghề phức tạp như ô tô.

Cũng theo TS. Alan Phan, một nhà đầu tư thực sự sẽ cẩn trọng trong việc hoạch định mục tiêu vì các yếu tố thị trường, công nghệ, chi phí sản xuất, nguồn cung cấp vật liệu hỗ trợ cho ô tô Việt Nam gần như không hiện hữu và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa hay nước ngoài.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp trong nước chỉ nên là đại lý, lắp ráp, gia công cho các doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên doanh liên kết. Sau đó chuyển gia công sang sản xuất có giấy phép với tư cách công ty con.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.