Thị Trường, - 14/04/2014 09:00 PM
Các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho ô tô hiện nay ở Việt Nam là công bằng trong khi các nhà sản xuất - lắp ráp ô tô trong nước thì cho rằng họ đang bị thiệt vì cách tính đó.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa kiến nghị với cơ quan quản lý yêu cầu thay đổi cách tính thuế TTĐB với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để không bất lợi cho xe lắp ráp trong nước. Nhưng ngay lập tức các nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc phản đối.

Mới đây, có ít nhất 6 nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã gửi kiến nghị tới Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên cách tính thuế TTĐB với xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu như hiện tại.

Trước đó, VAMA đã đề nghị Bộ Tài chính cách tính thuế TTĐB với ô tô là nên áp dụng trị giá tính thuế chung cho xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước theo giá nhập khẩu có bao gồm cước vận chuyển và bảo hiểm (nếu có).

Theo các thành viên VAMA, quy định hiện tại, xe sản xuất trong nước được tính thuế trên cơ sở giá bán buôn, bao gồm cả chi phí bán hàng; trong khi đó xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tính trên cơ sở giá CIF không bao gồm chi phí bán hàng; từ đó dẫn đến giá xe lắp ráp trong nước bị cao hơn xe nhập khẩu.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, kiêm Chủ tịch VAMA, cho rằng xe trong nước ngoài chi phí sản xuất ra, còn nhiều chi phí khác: chi phí đầu tư vào hệ thống phân phối, dịch vụ sau bán hàng,... Các chi phí này tạo nên giá thành của chiếc xe. Thuế TTĐB đánh vào giá thành tổng thể của chiếc xe, bao gồm những chi phí vừa kể, trong khi xe nhập khẩu chỉ bị tính tại thời điểm nhập khẩu, không tính các chi phí dịch vụ bán hàng và hậu mãi; điều đó tạo ra sự không hài hòa về mặt thuế, và gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất xe trong nước.

Ngoài ra, mức giá để tính thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước đã cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác.

Một doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước cho rằng, cách tính thuế TTĐB như đang áp dụng, giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương sẽ chênh lệch nhau khoảng 5% (vì nhà nhập khẩu bớt được các chi phí vận chuyển trong nội địa như chi phí quảng cáo bán hàng, hoa hồng đại lý,...).

Phản ứng trước đề nghị của VAMA, 6 doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc của của các thương hiệu Audi, BMW, Posche, Volkswagen, Subaru và Renault cho rằng, cách tính thuế TTĐB như hiện nay là công bằng và đã cân nhắc chi phí liên quan cho việc tính thuế TTĐB với doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, cũng như nhà nhập khẩu xe chính hãng nguyên chiếc.

Sáu nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc cho hay, các đơn vị sản xuất và nhập khẩu xe nguyên chiếc tại Việt Nam là hai đơn vị khác nhau hoạt động theo điều khoản hợp đồng. Giá CIF được sử dụng trong cách tính thuế TTĐB đã bao gồm các chi phí sản xuất và marketing, cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà nhập khẩu.

Trong trường hợp các đơn vị lắp ráp trong nước, các đơn vị sản xuất tính phí bảo hiểm và vận chuyển các bộ phụ tùng cho các đơn vị lắp ráp ở Việt Nam. Các đơn vị sản xuất nắm giữ quyền kiểm soát của các đại lý lắp ráp qua việc trở thành cổ đông. Bởi vậy, chi phí của các bộ phụ tùng, chi phí lắp ráp trong nước và chi phí marketing là nền tảng cấu thành nên giá trị của sản phẩm cuối cùng và chính giá trị này được sử dụng để tính thuế TTĐB. Cũng giống như trường hợp các đơn vị nhập khẩu nguyên chiếc, giá trị này bao gồm chi phí của các nhà sản xuất (chi phí phụ tùng + chi phí lắp ráp) và chi phí marketing cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà phân phối.

Trên thực tế, các thành viên của VAMA - hầu hết vừa là nhà sản xuất lắp ráp, vừa là nhà nhập khẩu và phân phối - cho rằng nếu giữ cách tính thuế hiện nay thì họ cũng có lợi đối với dòng xe nhập khẩu. Tuy nhiên về lâu dài thì xe sản xuất trong nước khó cạnh tranh.

Hiện tại, do chênh lệch vẫn còn cao giữa thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN là 50% và thuế nhập khẩu linh phụ kiện cao nhất là 25%, nên hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam vẫn được nhiều doanh nghiệp triển khai. Khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc xuống còn 5% hoặc 0% vào năm 2018, thì xe lắp ráp trong nước không thể cạnh tranh xe nhập khẩu.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.