Thị Trường, - 07/04/2015 02:51 PM
Việt Nam có thể hợp tác với Thái Lan sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khối ASEAN, còn muốn đầu tư phát triển công nghệ phải dựa vào Nhật, Hàn Quốc...

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhận định như vậy khi trao đổi với Đất Việt về giấc mơ ô tô Việt và cơ hội hợp tác với ngành ô tô Thái Lan khi phía nước bạn ngỏ lời.

Không thể đơn thương độc mã 

Khẳng định Việt Nam đã thất bại trong cả chiến lược và chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô trong 30 năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng Việt Nam cần nhìn nhận lại và phải hợp tác với các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô đi lên.

"Chiến lược phát triển ô tô Việt Nam đã thất bại, chính sách bảo hộ để phát triển ô tô nội địa cũng cho thấy sự sai lầm. Các hãng ô tô nước ngoài vào Việt Nam hứa hẹn tỷ lệ nội địa hoá 10%, 20% rồi 50% nhưng cho đến nay Việt Nam mới chỉ đạt được tối đa 7-8%. Việt Nam quanh đi quẩn lại chẳng có gì ngoài lắp ráp, mà cũng chỉ là lắp ráp các khối linh kiện lớn chứ không phải tỉ mỉ các chi tiết máy.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Việt Nam muốn phát triển công nghệ sản xuất ô tô cần dựa vào Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam chỉ ở trên giấy, vẽ rất hay ho, đẹp đẽ, chỉ tiêu cao nhưng không ai thực hiện. Doanh nghiệp thì chạy theo lợi ích trước mắt, nhập linh kiện về lắp ráp rồi bán lại lấy lãi kiếm sống, chẳng còn ai nghĩ đến việc sản xuất cái gì, nghiên cứu cái gì.  

Do đó, hợp tác với Thái Lan là cần thiết nhưng Việt Nam phải tính toán kỹ xem làm cái gì, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành ô tô như thế nào, chứ không thể đơn thương độc mã, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm nay. Khi đó, bắt buộc một số số ngành kinh tế trong ASEAN phải hợp tác với nhau để ưu tiên sản xuất, tiêu dùng trong nội khối.

Thực ra, trong khối ASEAN, không chỉ Thái Lan mới phát triển công nghiệp ô tô mà còn có Malaysia, Indonesia... Cần phải hợp tác với các nước này còn hơn để ô tô ngoài khối tràn vào. Công nghiệp ô tô ngoài khối rất mạnh, trong đó phải kể đến Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ có một chiến lược rất rõ ràng được đặt ra hàng chục năm nay là phát triển ô tô giá rẻ, chất lượng vừa phải, kích thước nhỏ gọn, giá chỉ tầm 2.000-3.000 USD. Trong khi đó, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với mưu đồ lớn hơn là cạnh tranh với ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc", ông Nam phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại trấn an rằng, Việt Nam không sợ lép vế khi hợp tác với ngành ô tô Thái Lan bởi có thể về quản lý doanh nghiệp, Thái Lan đi trước có kinh nghiệm hơn, bài bản hơn nhưng tài hoa, trí tuệ lao động Việt Nam vẫn hơn, dù đang "láng cháng" ở đâu đó, chưa có chính sách để đưa vào sản xuất, quản lý.

"Nhân lực Việt Nam nếu được tổ chức tốt chắc chắn sẽ còn hơn. Việt Nam vẫn có cơ hội đuổi kịp các nước về công nghiệp ô tô trong 5-10 năm nếu có chính sách đúng để phát triển".

Về phương thức hợp tác giữa hai nước, ông Nam đề xuất, trước mắt Việt Nam nên lựa chọn một số chủng loại ô tô để tăng tỷ lệ nội địa hoá nội khối. Cái gì Thái Lan làm tốt thì để họ làm, cái gì Việt Nam có ưu thế thì Việt Nam làm rồi nâng cao trình độ dần.

"Đừng lo rằng Việt Nam sẽ lún sâu vào gia công, lắp ráp bởi càng lắp ráp nhiều tay nghệ công nhân Việt càng cao, có máy móc hiện đại. Tuy nhiên, đã hợp tác thì phải có chương trình, chiến lược cụ thể, đi sâu vào chyên môn, vạch rõ giai đoạn này làm gì, giai đoạn sau thế nào, yêu cầu ra sao. Ví dụ, năm nay mới sản xuất được thùng, vỏ xe, 3 năm sau phải tiến tới sản xuất được những chi tiết phức tạp hơn. Khi có chiến lược rồi thì phải đầu tư về khoa học công nghệ, vốn, con người....".

Ông Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam tư nhân hoá sẽ cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt. Lâu nay, ô tô Việt Nam nói riêng và cơ khí Việt Nam nói chung đều là quốc doanh nên không thể phát triển được.

Dựa vào Nhật, Hàn để có ô tô made in Vietnam?

Dù ủng hộ sự hợp tác với các nước trong khối ASEAN như Thái Lan nhưng nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại tỏ ý nghi ngờ nếu Việt Nam muốn dựa vào đó để phát triển công nghệ sản xuất ô tô cũng như làm ra những chiếc ô tô made in Việt Nam 100%.

"Việt Nam chỉ có thể hợp tác với Thái Lan để sản xuất, tiêu thụ ô tô trong nội khối ASEAN, còn để đầu tư phát triển công nghệ ngành này thì phải dựa vào Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu... là những nước lớn, mạnh về công nghiệp ô tô, dày dạn kinh nghiệm, giỏi quản lý. Bản thân Thái Lan cũng phải dựa vào các nước này để phát triển ngành ô tô. 

Dĩ nhiên phía Thái Lan phải có mục đích khi đề nghị hợp tác. Họ thấy Việt Nam yếu hơn nên tham vọng nếu hợp tác sẽ ôm được thị trường Việt Nam, nhất là khi được nhiều ưu đãi. Do đó, Việt Nam phải cân nhắc được mất, hợp tác có lộ trình, nếu không tính toán kỹ mà buông trôi sẽ bị nuốt trọn".

Nếu muốn có được chiếc ô tô made in Việt Nam 100%, theo ông, đây là cả một quá trình dài nhưng Việt Nam vẫn có thể làm được.

"Phải bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược, lập ban điều hành, phân trách nhiệm rõ ràng, từng gai đoạn làm được cái gì? Tập trung vào một số chủng loại ô tô mà Việt Nam thấy phù hợp nhất, thậm chí Việt Nam vẫn có thể sản xuất ô tô giá rẻ, chỉ đích danh doanh nghiệp nào làm cái gì, bộ phận nào, từ đó đầu tư ra sao, theo tiêu chuẩn nào... Tất cả phải có một chương trình cực kỳ chi tiết và được vạch ra bởi các nhà chuyên môn", ông nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.