Thị Trường, - 11/12/2013 06:28 PM
Chính sách thường xuyên thay đổi, định hướng tăng trưởng, phát triển ngành thiếu nhất quán, minh bạch và cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ…được cho là những nguyên nhân ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt.

Trong báo cáo gửi Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, Nhóm Công nghiệp Ô tô và Xe máy đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Nhóm Công nghiệp Ô tô và Xe máy nhận định ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất ôtô và 40 thương hiệu, nhưng mức tăng trưởng toàn ngành vẫn không đạt mức mong muốn của cả nhà đầu tư  và Chính phủ.

Dự báo năm 2013, thị trường ô tô sẽ đạt cột mốc 110.000 xe, tương đương với mức của năm 2007, trong đó 80% là CKD (xe lắp ráp/sản xuất nội địa). Năng lực sản xuất toàn ngành sử dụng thực tế chỉ đạt xấp xỉ 20% trên tổng công suất gần 500.000 đơn vị. Thực tế này làm nhà đầu tư lo lắng, thậm chí đặt dấu hỏi về khả năng đầu tư mới trong tương lai.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo Nhóm Công nghiệp Ô tô và Xe máy sự tăng trưởng, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Chính sách thường xuyên thay đổi và những đề xuất thất thường trong những năm qua, chính sách định hướng tăng trưởng, phát triển ngành thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng về phân tích ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất CKD/CBU liên quan đến vấn đề hội nhập ASEAN vào năm 2018 và việc triển khai các chương trình nhằm giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ.

Trong đó, chính sách miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn vào năm 2018 được cho là yếu tố ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới ngành công nghiệp ô tô trong tương lai, khiến các nhà lắp ráp ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với tình hình cạnh tranh khốc liệt nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn.

Cụ thể, theo lộ trình nước ta sẽ miễn thuế đối với các loại ô tô được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN và các quốc gia là thành viên của hiệp định hợp tác kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cụ thể, từ năm 2014 thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ giảm xuống còn 50% vào năm 2014, 35% vào năm 2015, 20% vào năm 2016, 10% vào năm 2017 và được miễn hoàn toàn vào năm 2018.

Trước đó, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) cũng tỏ ra khá quan ngại khi đưa ra cảnh báo: Nếu không sớm có biện pháp cho giai đoạn 2014 – 2018 thì việc cắt giảm thuế sẽ đe dọa đến ngành công nghiệp ô tô vốn còn non trẻ của Việt Nam, khiến cho ngành này khó cạnh tranh về giá và chất lượng với các sản phẩm nhập khẩu.

Yếu tố chính để thu hút đầu tư là tăng quy mô, năng lực cạnh tranh chung của lĩnh vực sản xuất lắp ráp trong nước và linh kiện phụ tùng. Nhà đầu tư xây dựng chiến lược dựa trên quy mô chung của toàn ngành và khả năng cạnh tranh về chi phí của sản xuất CKD.

Quy mô, năng lực cạnh tranh chung của lĩnh vực sản xuất lắp ráp và linh kiện phụ tùng trong nước được đánh giá là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ sở để xây dựng chiến lược của toàn ngành. Thế nhưng, ngành lắp ráp ô tô trong nước được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 3% khi thuế nhập khẩu giảm còn 35% vào năm 2015.

Tìm kiếm giải pháp

Từ thực trạng này, Nhóm công tác đã đưa ra những giải pháp ngắn hạn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Về chính sách, Nhóm khẩn thiết đề nghị chính phủ có biện pháp bảo đảm sự ổn định, nhất quán của các chính sách về nâng cao khả năng cạnh tranh về giá trong sản xuất lắp ráp xe trong nước. Hạn chế tình trạng ban hành chính sách không thống nhất của nhiều ban ngành, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành, trước khi ban hành chính sách mới cần thống nhất với các tổ chức, hiệp hội của ngành (VAMA/VBF).

Đối với ngành láp ráp trong nước cần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp vày trong giai đoạn chuyển giao sang miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn từ năm 2018 trở đi. Có chính sách ưu đãi phù hợp liên quan đến sản xuất CKD để thu hẹp khoảng cách giữa CBU và CKD, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giữa hai loại hình này là như nhau, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp CKD.

Nếu không có chính sách phù hợp trong tương lai thị trường Việt Nam sẽ chỉ toàn xe nhập khẩu

Đối với lĩnh vực xe nhập khẩu (CUB) cần kiểm soát chặt chẽ hơn ô tô nhập khẩu, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, kiểm tra giá ô tô nhập khẩu từ khâu khai hải quan.

Về tăng trưởng, giảm thuế để ô tô phù hợp với túi tiền người dân hơn, hỗ trợ tài chính, giúp người tiêu dùng dễ vay tiền mua xe hơn; đầu tư, thúc đẩy phát triển hạ tầng đường xá/bến đỗ/công trình giao thông. Cân nhắc sự phù hợp của các tiêu chí, điều kiện, thời gian bắt đầu áp dụng và những nội dung khác về dự án xe chiến lược, bởi lẽ những chính sách ưu đãi liên quan đến các dự án xe chiến lược, lợi thế về giá của dòng xe chiến lược sẽ khiến những mẫu xe khác gần như không còn có thể tồn tại trên phân khúc thị trường này.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.