Thị Trường, - 12/09/2013 05:13 PM
Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa đề nghị Chính phủ một số cơ chế ưu đãi để hỗ trợ việc thực hiện nội địa hóa tại doanh nghiệp đã triển khai từ nhiều năm qua.

Trong đề nghị của mình, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho biết, doanh nghiệp đề nghị được xét cho vay vốn dài hạn, hoặc hỗ trợ bằng cách hoãn thuế từ tháng 10/2013 với số tiền 750 tỷ đồng để Công ty chi trả cho công tác nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ, dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ và nhập thiết bị gia công các chi tiết chính của Hãng DMG (Đức) và Moriseiki (Nhật Bản).

“Mặt bằng nhà xưởng và hệ thống thiết bị đúc gang, đúc thép của nhà máy đúc, hệ thống làm khuôn tự động Vinaxuki đã có sẵn.

Chúng tôi đang tiến hành đào tạo kỹ sư và công nhân vận hành các thiết bị. Phòng thiết kế động cơ cũng đang hình thành.

Vì vậy, khoản vay mà Vinaxuki đề nghị sẽ chỉ bằng 50% số tiền của nhà máy cùng công suất, nhưng đảm bảo tiêu chí hiện đại”, ông Huyên cho hay.

Vinaxuki cũng cam kết, nếu được cho vay khoản vốn này, năm 2014, Công ty sẽ lắp đặt máy, thiết bị và sản xuất động cơ, để năm 2015, xuất xưởng những động cơ đầu tiên.

Từ năm 2010 đến nay, Vinaxuki vẫn chưa vay được 250 tỷ đồng đầu tư cho nhà máy đúc, luyện kim loại

Hết mình với ô tô, trong 4 năm qua, Vinaxuki đã thuê chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu phát triển các dòng xe phù hợp với môi trường, khí hậu, tập quán tiêu dùng của người Việt Nam và hướng tới xuất khẩu. Đã có khoảng 200 tỷ đồng được doanh nghiệp bỏ ra cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và dự kiến những năm tới, công tác này chiếm 7 - 8% doanh thu.

Dự án Nội địa hóa ô tô của Vinaxuki giai đoạn I đã hoàn thành với 3 model xe du lịch và 1 model xe tải (mức nội địa hóa là 30 - 35%). Nếu cộng thêm các chi tiết có thể mua ở Việt Nam, thì mức nội địa hóa của cả 4 model này là 42 - 50%.

Một đề nghị khác của Vinaxuki là việc vay 250 tỷ đồng đầu tư cho nhà máy đúc, luyện kim loại từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Theo nhận xét của ông Huyên, dù Chính phủ coi trọng ngành sản xuất khuôn mẫu và có chính sách ưu đãi, nhưng khi các thủ tục tại ngân hàng và địa phương lại rất khó khăn.

Từ năm 2010 đến nay, Vinaxuki vẫn chưa vay được số vốn 250 tỷ đồng đầu tư cho nhà máy đúc, luyện kim loại, dù nhà máy này đủ tiêu chí được vay vốn theo chương trình cơ khí trọng điểm (sản phẩm là phôi để làm khuôn với 80% trọng lượng được luyện từ các nguyên liệu sản xuất ngay tại Việt Nam, như gang thỏi Thái Nguyên, Cao Bằng hay nhiều loại fero kim loại).

“Khi họp Hội đồng Xét duyệt dự án, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải chưa thống nhất, vì cho rằng, không hiểu tại sao làm ô tô phải xây dựng nhà máy đúc kim loại. Còn đại diện VDB yêu cầu viết lại Dự án, trong khi Báo cáo Dự án đã được Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp thuận”, ông Huyên cho hay.

Thực tế không dễ ủng hộ sản xuất trong nước cũng được Vinaxuki nhắc tới. “Sản phẩm khuôn mẫu là mặt hàng số 1 trong sản xuất ô tô như phía Nhật Bản xác nhận, nhưng đến khi thế chấp để vay vốn, thì ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn và đánh giá bằng tiền bán gang, sắt vụn.

Hiện Công ty đã sản xuất được gần 1.000 bộ khuôn mẫu với khối lượng xấp xỉ 3.000 tấn. Không những vậy, ngân hàng cho rằng, ô tô không phải là mặt hàng chiến lược, doanh thu ô tô những năm qua sụt dần, kém hiệu quả, khiến việc nội địa hóa ngày càng khó khăn”, kiến nghị của Vinaxuki viết.

Trước Vinaxuki, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã kiến nghị Chính phủ về việc cho giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu linh phụ kiện trong 1 năm để sử dụng nguồn tiền này phục vụ sản xuất ô tô, đặc biệt là triển khai dự án sản xuất động cơ. Đề nghị này cũng đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ với kỳ vọng tạo ra những đòn bẩy cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Ở một góc độ khác, cuộc thảo luận về cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô hồi giữa tháng 8/2013 cũng cho thấy, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô, phải có chính sách đột phá. Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, chính sách mới cần quan tâm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh những quy định ưu đãi chung, cần quan tâm ưu đãi với các phân khúc đang phát triển tốt.

Trong Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành ô tô đang được xây dựng, Bộ Công thương cũng đặt mục tiêu đến năm 2015, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phấn đấu cung ứng 20 - 25% về giá trị linh kiện, phụ tùng cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Đến năm 2020, có khả năng cung ứng 40 - 45% linh kiện, phụ tùng (về giá trị) và từ năm 2021 - 2030, đủ khả năng cung ứng 50 - 60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, do sản lượng ô tô bán ra còn ở mức khiêm tốn, nên các nhà sản xuất linh kiện chưa thể đầu tư ở Việt Nam để cung ứng cho các nhà sản xuất ô tô. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hợp lý, nhất là chính sách về thuế, phí…,để mở rộng dung lượng của thị trường, qua đó mới có điều kiện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ngoài ra, phải ưu tiên phát triển dòng xe chiến lược có thể sản xuất với số lượng lớn và tiến tới mục tiêu xuất khẩu.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.