Thị Trường, - 24/05/2014 05:17 PM
Nhận định Việt Nam là thị trường ô tô có nhiều tiềm năng, tuy nhiên nhiều nhà sản xuất xe hơi lại không có ý định xây dựng nhà máy tại nước ta thay vào đó họ chọn hình thức nhập khẩu và bán ra. Một câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có trở thành thị trường chuyên nhập khẩu xe trong tương lai?

Lượng xe nhập khẩu liên tục tăng

Xu hướng tăng mạnh của ôtô nhập khẩu nguyên được duy trì từ đầu năm tới nay. Tháng 1 và 2 lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc duy trì ở mức hơn 3,000 chiếc. Trong tháng 3/2014, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã tăng 47,4% đạt gần 4,400 chiếc so với tháng trước. Tháng 4/2014, nhập 4,411 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 88,5 triệu USD, tăng 43% về lượng và 78% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập về 14,982 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 292 triệu USD, tăng 49% về lượng và 57% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thị trường nhập khẩu chính của ô tô về Việt Nam trong tháng qua vẫn là Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức…

Cũng theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm doanh số bán hàng của xe nhập khẩu tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 24%, một mức chênh lệch khá lớn.

Thị phần xe nhập khẩu ngày càng tăng cao, lấn át xe lắp ráp trong nước, điều này đã dẫn đến lo ngại nếu không có chính sách phù hợp Việt Nam sẽ trở thành thị trường chuyên nhập khẩu xe.

Tiềm năng nhưng lắp ráp trong nước là không khả thi

Hầu hết các hãng sản xuất xe đều nhận định thị trường ô tô nước ta còn nhiều tiềm năng để khai thác. Tuy nhiên, để xây dựng các cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam lại được các hãng xe cho là không hề khả thi.

Trả lời phỏng vấn VTV, ông Horst J. Herdtle, Tổng Gián đốc EuroAuto Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã từng xem xét các khả năng xây dựng nhà máy tại Việt Nam, tuy nhiên vào thời điểm hiện tại Việt Nam đang tham dự sâu hơn vào các cam kết của WTO và AFTA với mức thuế nhập khẩu nguyên chiếc chỉ còn 0% vào năm 2018 do vậy việc xây dựng nhà máy vào lúc này là không khả thi”. Cùng chung quan điểm, ông Laurent Genet, Tổng Giám đốc Audi Việt Nam khẳng định mức tăng doanh số tại thị trường Việt Nam là rất ấn tượng, tuy nhiên quy mô thị trường còn quá nhỏ và Audi không có ý định xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Quan điểm của 2 nhà lãnh đạo 2 hãng xe sang kể trên dường như cũng là quan điểm chung của hầu hết các hãng xe đang có mặt tại Việt Nam. Bởi lẽ, thực tế đang cho thấy, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc và bán ra sẽ là giải pháp tốt nhất khi mà mức thuế nhập khẩu đang giảm dần và tiến tới là bằng 0. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở lắp ráp trong nước là không hề khả thi khi chính sách còn nhiều mâu thuẩn, cơ sở hạ và ngành công nghiệp phụ trợ còn thiếu và yếu.

Thay vào đó, giải pháp mà nhiều hãng xe lựa chọn là đầu tư vào các nước các ngành công nghiệp ô tô phát triển và xuất đi các thị trường trong khu vực. Thái Lan và Indonesia đang là những lựa chọn hàng đầu.

Việt Nam trở thành thị trường chuyên nhập khẩu xe?

Có thể nói, Nhà nước Việt Nam đặt rất nhiều tâm huyết cho ngành ô tô và xem đây là ngành công nghiệp quan trọng đối với phát triển kinh tế. Điều này thể hiện ở hàng loạt chính sách được ban hành trong những năm qua.

Tuy nhiên, quá nhiều chính sách lại thay đổi trong thời gian ngắn và sự mâu thuẩn trong chính các chính sách lại đang là rào cản lớn đối với ngành công nghiệp ô tô còn non trẻ của nước ta. Đơn cử như, Bộ Công Thương muốn phát triển ngành ô tô trong khi Bộ GTVT lại muốn hạn chế phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn. Thực hiện lộ trình giảm thuế theo AFTA trong khi chưa có chính sách bảo hộ nền công nghiệp ô tô còn non trẻ trong nước. Đó là chưa kể đến các yếu tố muốn phát triển mạnh ngành ô tô nhưng cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp phụ trợ chưa theo kịp thậm chí là yếu kém.

Theo lộ trình mức thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đã giảm xuống còn 50% trong năm nay sẽ giảm 35% vào năm 2015, 20% vào năm 2016, 10% vào năm 2017 và được miễn hoàn toàn vào năm 2018. Chính sách này được coi là yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới ngành lắp ráp xe trong nước. Như vậy chúng ta chỉ còn 5 năm để phát triển ngành ô tô trong nước. Một khoảng thời gian được cho là quá ngắn ngủi.

Nhận định về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong tương lai, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam EuroCham cũng từng tỏ ra quan ngại khi đưa ra cảnh báo: nếu không sớm có biện pháp cho giai đoạn 2014 – 2018 thì việc cắt giảm thuế sẽ đe dọa đến ngành công nghiệp ô tô vốn còn non trẻ của Việt Nam, khiến cho ngành này khó cạnh tranh về giá và chất lượng với các sản phẩm nhập khẩu. Ngành lắp ráp ô tô trong nước được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 3% khi thuế nhập khẩu giảm còn 35% vào năm 2015.

Liệu đã quá trễ để Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước và trở thành nhà sản xuất xe quan trọng trong khu vực. Và liệu rằng Việt Nam có dẫm lên viết xe đỗ của Philippin trở thành thị trường chuyên nhập khẩu xe?

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.