Thị Trường, - 08/03/2012 06:14 PM
Chiều 7-3, Bộ Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết do giá thế giới tăng quá cao.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đều bất ngờ khi mức tăng quá cao.

“Quá bất ngờ và choáng với mức tăng giá xăng”. Đó là ý kiến của ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Ông Bình nhận định mức tăng này sẽ đánh trực tiếp vào “nồi cơm” của các tài xế taxi: “Giá xăng tăng như vậy thì mỗi ngày người lái xe trung bình phải bù lỗ 50.000 đồng. Với người lao động, mỗi tháng 1,5 triệu đồng là rất nhiều”.

Bảng giá xăng dầu sau khi tăng giá tại một cây xăng ở TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Choáng với giá xăng dầu

Trên thực tế, các hãng taxi ở Hà Nội đang phải chịu tác động kép từ việc tăng giá xăng và việc thành phố cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường của thủ đô. Về phía hiệp hội, ông Bình cho biết sẽ họp bàn với các đơn vị nhằm hỗ trợ việc ổn định đời sống cho anh em tài xế, và sau đó mới tính toán, cân nhắc việc điều chỉnh giá cước căn cứ trên quyền lợi của cả ba bên: doanh nghiệp xăng dầu, người tiêu dùng và người lao động của chính các hãng taxi.

Theo ông Bình, với mức tăng giá xăng lên 22.900 đồng/lít thì chắc chắn giá cước taxi sẽ tăng khoảng 1.500-2.000 đồng/km. Ngay trong ngày 8-3, Hiệp hội Taxi Hà Nội sẽ họp các hãng xe trên địa bàn để có phương án tăng giá cước.

Còn ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, lo ngại ngành thép sẽ càng gặp khó hơn khi giá xăng dầu tăng thêm. Vì giá mazut tăng thêm 2.000 đồng/kg thì chi phí cho mỗi tấn thép sẽ đội thêm khoảng 80.000 đồng. Đó là chưa kể tác động của giá dầu máy, dầu diesel. Thế nhưng, việc tăng giá thép là không thể khi tiêu thụ mặt hàng này quá trầm lắng kể từ năm 2011 đến nay. Giá bán không thể tăng mà lãi suất cho vay còn khá cao, cộng thêm việc xăng dầu tăng giá, không ít doanh nghiệp sản xuất thép phá sản là điều dễ xảy ra.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, giá dầu diesel tăng khoảng 5% so với mức cũ thì giá cước vận tải hàng hóa sẽ tăng khoảng 2,2%. Tuy nhiên, để điều chỉnh ngay giá cước vận tải là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vì hầu hết hợp đồng đã được ký kết từ trước đó và muốn điều chỉnh phải thương thảo với khách hàng.

Người tiêu dùng lo lắng giá xăng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong thời gian tới (ảnh chụp tại cây xăng Trần Hưng Đạo, Hà Nội chiều 7-3) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khó kiềm chế lạm phát

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 2-2012 với lần điều chỉnh trước đó (ngày 10-10-2011) thì mức tăng từ 7-13%, riêng dầu thô tăng tới 21,73%. Đáng chú ý là những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2012 giá đã tăng mạnh và tăng lên mức cao nhất trong chín tháng gần đây. Xăng dầu tiêu dùng trong nước hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới. Trong khi đó, chúng ta không còn biện pháp nào nữa, thuế cũng lùi về 0%, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn từ hai tháng nay. Việc tăng giá xăng dầu là không thể tránh khỏi.

Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu lần này, Bộ Tài chính cho rằng thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo quy định cơ chế thị trường. Cụ thể: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì giảm sử dụng quỹ bình ổn giá, khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý nếu còn dư địa thực hiện giảm giá bán.

Việc tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, tuy nhiên ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc tăng giá quá cao, với 2.100 đồng/ lít xăng, 2.000 đồng/kg mazut, 1.000 đồng/lít diesel, gây sốc cho người dân cũng như doanh nghiệp. Nếu mức tăng từ từ, khoảng 1.000 đồng chia đều cho vài lần thì sẽ giảm áp lực rất nhiều cho xã hội.

“Trong bối cảnh giá cả tăng cao, người lao động vốn rất chật vật để chi tiêu đồng thu nhập ít ỏi, còn doanh nghiệp sức cạnh tranh đã giảm rất nhiều, giờ sẽ phải cố gắng như thế nào đây?” - ông Long băn khoăn.

Ông Long cũng lo ngại mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới hai con số trong năm nay là rất khó khăn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng khi tăng giá mạnh các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn Bộ Tài chính đã phải lường được hậu quả.

“Tôi đã dự đoán lạm phát sẽ tăng trở lại trong tháng 3. Và sau khi điều chỉnh giá xăng dầu, lạm phát sẽ tăng cao hầu như chắc chắn” - ông Phong nói. Theo ông Phong, việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ kéo hàng loạt hàng hóa và dịch vụ khác tăng giá theo.

Ông Phong cho rằng bên cạnh việc đưa giá thực phẩm, hàng hóa tăng hợp lý theo mức tăng của giá xăng, giới kinh doanh ở VN thường có hiện tượng “tát nước theo mưa”.

Cứ nhân dịp giá xăng tăng là ồ ạt đẩy giá lên, vượt quá mức tác động của giá xăng tăng lên những mặt hàng, dịch vụ đó. Vì thế, các cơ quan quản lý, kiểm soát thị trường cần tăng cường kiểm tra giá cả, yêu cầu niêm yết giá, công bố giá để hạn chế tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến túi tiền người dân và gây áp lực lên chỉ số lạm phát.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.