Thị Trường, - 12/03/2012 02:45 PM
Các nhà sản xuất xe máy có vốn đầu tư nước ngoài đang tận dụng tốt việc kinh doanh của họ tại Việt Nam, cùng với nguồn cung linh phụ kiện tại chỗ làm đòn bẩy để tiến vào các thị trường trong khu vực.

Thị phần xe đắt tiền tăng cao

Đến Việt Nam trong bối cảnh các thương hiệu xe Nhật, Đài Loan đang chiếm lĩnh thị trường xe gắn máy, nhà sản xuất xe tay ga Tây Âu Piaggio có hướng đi riêng, đó là tập trung khai thác thị phần xe tay ga hạng sang mà trước đó chủ yếu là xe nhập khẩu.

Chi sau 3 tháng đưa nhà máy vào hoạt động, từ giữa năm 2009, Piaggio Việt Nam đã bán chiếc Vespa LX thứ 10.000 và đây là "cột mốc" của công ty tại thị trường này. Từ đó, nhà máy Piaggio Việt Nam tiếp tục cho ra đời các dòng sản phẩm mới như Piaggio Liberty, Piaggio Zip và mới đây là Piaggio Fly.

Mặc dù thị trường xe máy đang vào giai đoạn bán hàng trầm lắng do những tác động của sụt giảm kinh tế nhưng ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam, đồng thời phụ trách hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh của Piaggio Việt nam.

Tính từ năm 2009, khi Piaggio chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam đến năm 2011, nhu cầu tiêu thụ xe gắn máy ở Việt Nam vẫn tăng trưởng với mức tiêu thụ khoảng 3 triệu xe/năm. Tuy nhiên điều quan trọng hơn, theo ông Sambuy, là Piaggio nhận thấy có một sự dịch chuyển lớn ở người tiêu dùng theo xu hướng chuyển từ sử dụng xe số sang xe tay ga ngày càng nhiều. Đây chính là cơ hội của Piaggio vì chiến lược phát triển của công ty là chiếm lĩnh phân khúc xe tay ga cao cấp.

Hiện nhà máy của Piaggio đang sản xuất 4 dòng xe và đã chạy hết công suất, với tổng cộng 180.000 xe được bán ở thị trường Việt Nam và khu vực.

Không chỉ Piaggio, kết quả kinh doanh của hầu hết các hãng xe gắn máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong năm qua cũng rất khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Cụ thể trong năm 2011, năm hãng xe gắn máy gồm Honda, Yamaha, Suzuki (Nhật), SYM (Đài Loan), và Piaggio (Ý) tiêu thụ được khoảng 3,32 triệu xe, tăng hơn 600.000 xe so với năm 2010.

Riêng Honda Việt Nam trong năm qua tiêu thụ 2,03 triệu xe, tăng hơn 310.000 xe, chiếm 61% tổng thị phần của 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI sản xuất kinh doanh xe máy tại Việt Nam.

Theo ông Koji Onishi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, đây là năm đâu tiên kể từ khi Honda có mặt tại Việt Nam số xe tiêu thụ vượt mức 2 triệu xe. Với đà tăng trưởng này, hãng đã đưa ra mục tiêu tiêu thụ 2,3 triệu xe trong năm nay.

Theo các hãng xe, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường ngày càng có xu hướng chuộng xe tay ga, dòng xe đắt tiền hơn so với xe số. Cụ thể, Suzuki Việt Nam cho biết xe tay ga của hãng bán ra chiếm hơn 70%, trong khi Honda Việt Nam đạt 38% (năm 2006 là 10%) và công ty đang đặt mục tiêu 40% trong năm nay.

Theo ông Hiroshi Kobayashi, Giám đốc điều hành Honda Motor, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Asian

Honda Motor, mặc dù tình hình thị trường hiện nay có những khó khăn do bất ổn  tài chính châu Âu, lạm phát gia tăng, ngân hàng thắt chặt cho vay tiêu dùng, nhưng về lâu dài Việt Nam vẫn là thị trường xe máy đầy tiềm năng. Do đó, Honda  sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam – thị trường xe máy  lớn thứ 2 của Honda trên thế giới, sau Indonesia. Honda đã đầu tư hơn 500 triệu đô la Mỹ vào các nhà máy sản xuất xe gắn máy Việt Nam.

Với thị trường xe máy năm 2011 đã đạt 3,7 triệu xe, tăng 22% so với năm trước, Việt Nam đã trở thành thị trường xe máy lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Việt Nam đã trở thành một thị trường béo bở đối với nhiều nhà sản xuất xe gắn máy trong bối cảnh nhiều thành phố lớn trên thế giới hạn chế sử dụng dòng xe này.

 

Hướng đến xuất khẩu

Piaggio sở hữu thiết kế kiểu Ý, nhưng tương lai của nhà sản xuất xe tay ga Vespa này lại nằm ở các thị trường châu Á đang phát triển và điều này được khẳng định bằng doanh số kinh doanh của tập đoàn trong năm 2011. Đó là trong lúc thị trường xe hai bánh khu vực EMEA (châu Âu – Trung Đông – châu Phi) nói chung đang giảm, thì tại thị trường châu Á, năm 2011 là một năm đặc biệt tích cực đối với Piaggio, với tổng lượng xe tiêu thụ đạt 104.800 xe (tăng 75,9% so với năm 2010), và doanh thu đạt 187,5 triệu euro (tăng 40,8% so với năm 2010). Không kể tới tác động của tỷ giá, tăng trưởng doanh thu của khu vực này đạt đến 55,1%.

Theo Tập đoàn Piaggio, kết quả này phản ánh sự thành công trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nơi tập đoàn có nhà máy 100% vốn sở hữu đầu tiên tại châu Á, đang cung ứng các sản phẩm không những cho thị trường này mà còn tạo bước đệm cho việc thâm nhập vào những thị trường mới như Indonesia, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia.

Điều này lý giải vì sao Piaggio quyết định dời trụ sở khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ Singapore về Việt Nam vào năm 2009. Cũng trong năm 2009, Piaggio đã đưa vào hoạt động nhà máy ở Việt Nam, đặt tại Vĩnh Phúc. Ban đầu, nhà máy này của Piaggio chỉ dự định sản xuất xe Vespa cho thị trường Việt Nam, nhưng hiện nay đã sản xuất các loại xe tay ga khác và xuất khẩu ra thị trường khu vực như Indonesia, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia.

Ông Roberto Colaninno, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Piaggio rất hài lòng với kết quả kinh doanh tại Việt Nam và quyết định tăng đầu tư để đưa Piaggio Việt Nam trở thành một trung tâm chính của tập đoàn ở khu vực châu Á. Piaggio đã quyết định tăng gấp ba công suất của nhà máy tại Việt Nam lên 300.000 xe tay ga mỗi năm, đồng thời xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ và một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây.

Sau khi dây chuyền động cơ đi vào hoạt động và các đầu tư mới hoàn tất, trung tâm trên hình thành, công suất của Piaggio Việt Nam sẽ được nâng lên 300.000 xe/năm và tỷ lệ nội địa hoá đạt trên 90% (hiện tại công suất đạt 100.000 xe/năm, tỷ lệ nội địa hoá 70%). Không chỉ dừng lại ở những thị trường xuất khẩu hiện có, Piaggio Việt Nam còn hướng đến thị trường khác như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật… Và chiếc xe Piaggio Fly là dòng xe mới được nghiên cứu lắp ráp ở Việt Nam cho thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, đi tiên phong cho việc xuất khẩu xe máy phải kể đến Honda Việt Nam. Trong nhiều năm qua, hãng xe máy dẫn đầu thị trường trong nước này cũng đã xuất khẩu các bộ linh kiện đi thị trường các nước trong khu vực. Cụ thể như năm ngoái công ty xuất khẩu 237.000 bộ linh kiện xe máy qua các thị trường Lào, Campuchia, Philippines,... Trong năm nay, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 300.000 bộ linh kiện các loại sang các thị trường này.

Không dừng lại xuất khẩu linh kiện, Honda Việt Nam đang tư thêm 120 triệu đô la Mỹ cho nhà máy xe máy thứ ba của mình ở Việt Nam, nhằm nâng công suất lên 2,5 triệu xe/năm vào cuối năm nay và có thể nâng lên 3 triệu xe/năm để đáp ứng cho thị trường Việt Nam và tính đến xuất khẩu xe nguyên chiếc sang thị trường các nước.

Theo các hãng xe, tổng công suất xe máy của Việt Nam đến năm 2013 sẽ đạt hơn 5 triệu xe/năm, trong khi thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 3-3,5 triệu xe/năm. Do đó, với công suất thiết kế dư thừa hiện nay, buộc các hãngphải tính đến thị trường xuất khẩu.

Yamaha Việt Nam cũng đang hướng đến việc xuất khẩu xe máy khi quá trình đầu tư nâng công suất lên 1,5 triệu xe/ năm hoàn tất.

Theo các doanh nghiệp, so với các ngành công nghiệp khác như ô tô, điện tử, ngành công nghiệp xe máy trong nước có tỷ lệ nội địa hoá cao. Honda Việt Nam với tỷ lệ nội địa một số dòng xe lên đến 95%, ở những xe tay ga cũng đạt 85%. Trong khi đó, hãng Piaggio cũng đang đưa cả nhà máy động cơ và trung tâm R&D vào Việt Nam.

Với một thị trường lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ cùng ngành công nghiệp hỗ trợ tốt và chi phí sản xuất thấp hơn các nước trong khu vực, các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể trở thành nơi sản xuất xe máy không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà cho cả xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường xe máy hiện nay chỉ dành riêng cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh về doanh số của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe gắn máy 100% vốn trong nước ngày càng teo tóp dần thị phần, đang rất vất vả để cạnh tranh và nguy cơ đóng cửa cao.

Cạnh tranh gay gắt cũng khiến số lượng doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực xe máy ngày càng giảm, từ 56 doanh nghiệp trong nước xuống còn không tới 30 doanh nghiệp. Ngay cả Công ty Hoa Lâm (TPHCM) trước đây được xem là doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy lớn trong nước với thương hiệu Halim giờ đây cũng đã rút khỏi cuộc chơi, dù mấy năm qua công ty này cũng có liên doanh với đối tác Đài Loan là Kymco.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.