Khám Phá, - 19/11/2015 08:00 PM
Gia tộc danh giá Toyoda đã có nhiều cống hiến cho đất nước Nhật Bản, đáng kể nhất chính là thương hiệu Toyota là thành quả lao động, sáng tạo của hai cha con ông Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda.

Là một trong những thương hiệu lớn ở thị trường ôtô toàn cầu, thành công của Toyota bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tài năng kinh doanh của Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda – những người đặt nền móng đầu tiên cho tập đoàn Toyota có được như ngày hôm nay.

Hãy cùng tìm hiểu lúc sinh thời, con đường sự nghiệp và những bài học kinh doanh quý báu từ nhà Toyoda được đúc kết hơn nửa thế kỷ, để từ đó tạo nên một Toyota Motor thành công rực rỡ cho đến nay.

Sakichi Toyoda

Lúc sinh thời

Sakichi Toyoda sinh năm 1867 trong một gia đình nghèo có cha làm thợ mộc tại Shizuoka. Do hoàn cảnh mà ông đã phải dừng việc học và bắt đầu học làm nghề mộc khi mới 13 tuổi. Nhờ có một sức sáng tạo khá tốt và tinh thần chăm chỉ làm việc mà Sakichi Toyoda đã tự tay tạo ra chiếc khung dệt thủ công đầu tiên khi chỉ mới 23 tuổi.

Tiếp nối thành công đầu đời, vào năm 1897, Sakichi Toyoda đã nghiên cứu và chế tạo ra khung dệt chạy bằng máy dầu, còn có tên là máy dệt Toyoda. Cũng trong năm đó, ông cùng một số người quen thành lập một Hợp tác xã dệt may để sản xuất vải sợi bằng chính máy dệt Toyoda.

Sự nghiệp

Sau gần 10 năm phát triển thì Hợp tác xã dệt may của Sakichi Toyoda đã lớn mạnh và ông đã không ngần ngại bước ra thành lập riêng Công ty dệt may Toyoda vào năm 1906 với việc tập trung sản xuất vải dệt xuất sang thị trường Trung Quốc.

Không bằng lòng với những gì có được cùng chiếc máy dệt hiện tại, Sakichi Toyoda tiếp tục lao vào nghiên cứu và ông đã thu được thành tựu khi chiếc máy dệt sợi tự động ra đời vào năm 1926. Đây là sản phẩm để đời của Sakichi Toyoda với các chức năng, công đoạn từ se sợi cho đến dệt may đều được tự động hoá, đưa ông trở thành một trong những nhà phát minh tiên phong trong ngành công nghiệp dệt may không chỉ ở Nhật Bản mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới. 

Sakichi Toyoda trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty dệt may Toyoda trong suốt 23 năm, trước khi nhường lại vị trí cho người con trai Kiichiro Toyoda vào năm 1929.

Lời nhắn nhủ lịch sử

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Sakichi Toyoda, ngoài những thành tựu phát minh to lớn trong ngành công nghiệp dệt may, ông còn tạo ra những nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp, thể hiện đúng tinh thần của người Nhật. Jidoka là một nguyên lý hoạt động vật lý được ông áp dụng trong tự động hoá vào thời bấy giờ, về sau đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống vận hành sản xuất của Toyota.

Trước cổng Công ty dệt may Toyoda.

Sakichi Toyoda qua đời vào năm 1930. Trước khi tạ thế, ông đã nhắn lại với con trai Kiichiro Toyoda rằng đời ông đã tạo ra chiếc máy dệt thì đời con phải phát triển những chiếc xe hơi, làm ra những thứ phục vụ đất nước và nhân dân. Kiichiro Toyoda đã biến đó thành động lực để tạo nên một trong những thương hiệu ô tô nổi tiếng toàn cầu Toyota.

Kiichiro Toyoda

Kế thừa

Kiichiro Toyoda sinh ngày 6/11/1894 tại Nagoya, là con trai trưởng của nhà phát minh Sakichi Toyoda. Thừa hưởng những tố chất thông minh, cộng với sự giáo dục nề nếp từ người cha mà Kiichiro Toyoda chính là một trong những nhân tài của đất nước mặt trời mọc từ thuở niên thiếu.

Ông tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1921 và được cha cử sang châu Âu học nghề và nắm bắt kỹ thuật ô tô, trước đó ông từng làm thực tập sinh tại chính công ty dệt may Toyoda.

Sau khi về nước, Kiichiro Toyoda vẫn tiếp tục làm việc tại công ty dệt may Toyoda, cho đến năm 1926 thì ông quyết định tách riêng bộ phận chế tạo máy dệt tự động và tự mình điều hành nhưng vẫn trực thuộc công ty mẹ của ông Sakichi Toyoda.

Tạo dựng Toyota Motor

Sau khi cha ông là Sakichi Toyoda có lời gợi mở về việc phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Nhật Bản thì Kiichiro Toyoda đã tức tốc lên đường công tác châu Âu khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho việc thành lập Toyota Motor.

Logo đầu tiên của Toyota Motor.

Kiichiro Toyoda đã miệt mài nghiên cứu, không ngừng thử nghiệm theo tâm niệm của người cha quá cố để tạo nên thành quả của riêng mình. Cuối cùng, vào năm 1931, ông đã sáng chế thành công động cơ ô tô cỡ nhỏ có công suất 4 mã lực.

Với thành công đầu tiên trong sự nghiệp phát triển ô tô của mình, Kiichiro Toyoda đã cho thành lập riêng bộ phận ô tô ngay trong công ty dệt may Toyoda vào năm 1933, từ đó lấy bàn đạp để ông tiếp tục sáng chế và thiết kế nên bộ động cơ Type A đầu tiên chỉ trong một năm sau đó.

Động cơ Type A đầu tiên của Toyota có công suất tối đa 64 mã lực, sử dụng động cơ 6 xy-lanh và dung tích 389ml.

Phát triển thành công

Năm 1935, Kiichiro Toyoda tiếp tục phát triển bộ động cơ Type A1 dành cho xe khách cỡ nhỏ từ nguyên bản Type A trước đó, đồng thời sản xuất thêm mẫu xe vận tải nhỏ G1 chỉ trong vòng 6 tháng sau đó.

Mẫu xe vận tải nhỏ G1.

Cuối năm 1936, mẫu xe khách phiên bản nâng cấp AA tiếp tục xuất xưởng và đã được sự đón nhận của đa số người dùng tại Nhật Bản, cũng trong năm đó mà tên gọi “Toyoda” đã được chuyển thành “Toyota” quen thuộc cho đến ngày nay.

Phiên bản sedan AA.

Sau những thành công từ A1 cho đến AA thì mẫu xe 4 cửa kinh điển AB chính là sản phẩm đánh dấu sự chào đời của một thương hiệu ô tô danh tiếng trong tương lai cũng như tên tuổi Kiichiro Toyoda được biết đến.

Năm 1937, Toyota Motor chính thức được thành lập như một công ty độc lập, không còn phụ thuộc vào Toyoda như trước đây, thậm chí thành lập hẳn một trung tâm chuyên nghiên cứu ô tô Shibaura tại Tokyo. Kiichiro Toyoda giữ chức phó Tổng Giám đốc.

Trung tâm chuyên nghiên cứu ô tô Shibaura của Toyota Motor.

Tuy nhiên, vừa thành lập chưa lâu thì Toyota Motor của Kiichiro Toyoda gặp những biến cố từ kinh tế suy giảm, bùng nổ Thế chiến khiến việc sáng chế và phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn và phải dừng lại.

Kiichiro Toyoda tại phân xưởng Koromo năm 1937.

Không chịu bó tay trước nghịch cảnh, Kiichiro Toyoda tiếp tục công việc yêu thích của ông với những cải tiến và phát triển dòng xe bốn bánh với mẫu sedan AE được ra đời vào năm 1940; đồng thời ông giữ chức phó Tổng giám đốc của công ty luyện thép Toyota vừa được thành lập trong năm đó. Từ đây, Kiichiro Toyoda đã mở ra một xu thế mới cho Toyota là trở thành một tập đoàn đa ngành với chế tạo ô tô, dệt may và cả luyện thép.

Mẫu sedan AE được ra đời vào năm 1940.

Sau Thế chiến thứ 2, Toyopet (gọi tắt là SA) chính là mẫu xe cuối cùng mà Kiichiro Toyoda tham gia vào trực tiếp vào sáng chế và thiết kế. Năm 1950, Toyota tiếp tục thành lập Công ty thương mại ô tô, riêng Kiichiro Toyoda giữ chức Hội trưởng Bộ phận kỹ thuật ô tô đồng thời xin thôi chức vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn Toyota Motor và nhường lại cho người anh em họ Eiji Toyoda.

Mẫu xe Toyopet (SA) năm 1947.

Tháng 3 năm 1952, Kiichiro Toyoda qua đời sau khi bị xuất huyết não. Trải qua gần 30 năm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp phát triển ô tô, Kiichiro Toyoda được xem là nhà cách mạng tiên phong trong việc phát minh, sáng chế ra động cơ mang thương hiệu Nhật Bản. Đồng thời, tầm ảnh hưởng của Toyota trong nước đã lay động, thúc đẩy những thương hiệu ô tô khác phải học hỏi, thay đổi để theo kịp thời đại cũng như tạo dựng nên một nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Bạn cần tư vấn mua xe?
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian
sớm nhất để hỗ trợ bạn!
  • Facebook
  • Chia sẻ
  • Báo cáo vi phạm

Ý kiến của bạn

Vui lòng đăng nhập để bình luận được bài viết.

Đăng nhập
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường Ô tô – Xe máy xin gửi về địa chỉ email: info@cafeauto.vn; Đường dây nóng: 0903.762.768.